Dưới mái trường

Những "Tài năng Khoa học trẻ"

Bộ GD-ĐT vừa công bố quyết định khen thưởng sinh viên và giảng viên trẻ thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học đoạt giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” năm 2014.  (theo Báo Lao động Đồng Nai)

Theo đó, Trường đại học Lạc Hồng (Đồng Nai) có 02 đề tài đoạt giải Ba và 02 đề tài đoạt giải Khuyến khích, trong số 5 đề tài của sinh viên gửi đi dự thi. Ngay sau đó, Báo Lao động Đồng Nai đã tìm đến các “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” tại Đại học Lạc Hồng để tìm hiểu quá trình nghiên cứu của các tác giả.

Điều chỉnh kích thước hạt nano đồng siêu mịn

Với đề tài “Nghiên cứu tổng hợp và điều chỉnh kích thước hạt nano đồng trong hệ nước/PVP”, hai sinh viên Lê Thanh Trà và Hoàng Thị Ngọc Mai (Ngành Công nghệ Hóa - Khoa Kỹ thuật Hóa và Môi trường) đã đoạt giải Ba giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” năm 2014.

Ngọc Mai chia sẻ: “Em làm đề tài nghiên cứu khoa học này vì bản thân em thích làm công việc nghiên cứu. Trong quá trình học tập, em nhận thấy đây là một kiến thức mới. Có thể tìm ra quá trình tổng hợp hạt nano đồng và điều chỉnh kích thước của nó thực sự là một công việc thú vị và ý nghĩa”

Được biết, với công trình nghiên cứu của mình, hai sinh viên Thanh Trà và Ngọc Mai đã điều chỉnh hạt nano đồng đạt kích thước siêu mịn, khoảng từ 1 đến 5nm (nanomet. 1 nanomet bằng một phần tỷ met). ThS. Cao Văn Dư, giảng viên hướng dẫn đề tài này cho biết: “Kết quả điều chỉnh kích thước hạt nano này của hai em tương đương với kết quả của những công trình nghiên cứu khác trên thế giới hiện nay”.

Tài năng khoa học trẻ Việt Nam
ThS. Cao Văn Dư và các sinh viên Phạm Thị Kim Liên và Hoàng Thị Ngọc Mai 
trong phòng thí nghiệm tại Khoa Dược - Trường đại học Lạc Hồng

Không chỉ điều chỉnh được kích thước hạt nano đồng, nhóm nghiên cứu còn phối hợp với PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Phong (Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP. HCM) nghiên cứu, khai thác hoạt tính kháng nấm của phân tử nano đồng để diệt nấm hồng gây bệnh trên cây cao su. Sau quá trình thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, nhóm sinh viên này đã thử sản xuất một lô “thuốc” trị bệnh cho cây cao su và tiến hành thử nghiệm trên khoảng 2 ha cao su đang khai thác (thuộc Tổng công ty cao su Đồng Nai) và cho kết quả tốt. 

ThS. Cao Văn Dư nhận định: “Kết quả nghiên cứu này của hai sinh viên Thanh Trà và Ngọc Mai đã tạo nền tảng cơ sở cho việc nghiên cứu, chế tạo ra một dạng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, không độc hại”.

Kiên trì, cẩn thận và tỉ mỉ

Đó là những yêu cầu chung, hết sức căn bản đối với những người làm công tác nghiên cứu khi làm việc tại phòng thí nghiệm. Với những sinh viên làm nghiên cứu khoa học này, họ không thể nào đếm được những lần làm thí nghiệm thất bại. Ngọc Mai cho biết: “Em bắt đầu công trình nghiên cứu từ tháng 04/2013, đến khoảng tháng 02/2014 thì hoàn thành. Cuốn sổ ghi lại công thức, phản ứng các thí nghiệm của em dày khoảng 200 trang, còn thất bại bao nhiêu lần em không thể nào đếm được. Mỗi ngày, em đến phòng thí nghiệm của trường từ lúc 7 giờ sáng và ra về lúc 5 giờ chiều. Mỗi phản ứng của em chỉ mất thời gian vài phút nhưng em phải mất khoảng 2, 3 tháng để tìm ra được quy trình”.

Việc nghiên cứu tổng hợp các hạt nano kim loại nói chung và nano đồng nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là bề mặt nano đồng rất dễ bị oxy hóa, do đó việc tổng hợp các hạt nano đồng thường khó thu được hiệu suất cũng như độ tinh khiết cao.

ThS. Cao Văn Dư đánh giá cao kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học này vì trong nội dung nghiên cứu đề cập tới quá trình tổng hợp nano đồng bằng phương pháp đơn giản, quá trình thực hiện nhanh với thời gian phản ứng khoảng 1,5 phút. Thầy cho rằng: “Đây có thể là công trình đầu tiên đề cập đến quá trình điều khiển các hạt nano đồng tới kích thước siêu mịn, đồng thời đảm bảo sự ổn định các hạt nano theo thời gian với việc sử dụng đồng thời của 3 chất bảo vệ gồm PVP, chất phân tán axit ascorbic, chất hoạt động bề mặt CTAB. Cơ chế ổn định của các hạt nano đồng cũng được làm rõ. Đặc biệt trong nghiên cứu, mối liên quan kích thước của các hạt nano đồng thông qua hiện tượng cộng hưởng plasmon bề mặt được kiểm chứng và giải thích rõ”. 

Ngoài việc dự thi giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam”, đề tài này còn được nhóm sinh viên Thanh Trà, Ngọc Mai dùng làm đề tài tốt nghiệp và đã được thông qua. 

Nền tảng vững chắc khi ra trường

Mặc dù chưa nhận bằng tốt nghiệp nhưng sinh viên Phạm Thị Kim Liên đã có được việc làm ổn định tại Phòng hóa nghiệm Nhà máy nước Hóa An. Liên chia sẻ: “Quá trình thực hành thí nghiệm trong khi làm công trình nghiên cứu khoa học đã giúp em tự tin rất nhiều khi đi làm. Nhờ những kinh nghiệm có được trong quá trình nghiên cứu mà em không bị bỡ ngỡ, lo sợ khi tiếp xúc với các thiết bị tại nơi làm việc”.

Kim Liên là một trong hai nhóm tác giả đoạt giải Ba giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” năm 2014 của Trường đại học Lạc Hồng, với đề tài: “Nghiên cứu tổng hợp vật liệu Biphasic Calcium Phosphate (BCP) bằng phương pháp kết tủa kết hợp sóng siêu âm”. Đây là một nghiên cứu thuộc lĩnh vực y sinh (chế tạo vật liệu thay thế, cấy ghép xương của người).

Kim Liên cho biết: “BCP là vật liệu có khả năng liên kết sinh hóa với tế bào sống, giúp cho các tế bào xương sau khi bị thương tổn tiếp tục tái sinh và liên kết trực tiếp với bề mặt vật cấy, tạo liên kết trực tiếp với xương non dẫn đến sự tái sinh xương nhanh mà không bị cơ thể đào thải”

Để thực hiện đề tài nghiên cứu này, Kim Liên phải tiến hành làm các thí nghiệm tại Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam. Mỗi ngày, Liên bắt đầu công việc tại phòng thí nghiệm từ lúc hơn 6 giờ sáng cho đến khi chiều tối mơi về. Nếu như mỗi phản ứng hóa học trong nghiên cứu của hai bạn Thanh Trà và Ngọc Mai chỉ diễn ra trong vài phút thì mỗi phản ứng trong nghiên cứu của Kim Liên phải mất 12 tiếng. 

Liên mô tả: “Mỗi thí nghiệm của em bao gồm các công đoạn: pha hóa chất, tổng hợp hóa chất, điều chỉnh chất, thu sản phẩm, lọc sản phẩm sau đó đem nung và nghiền sản phẩm. Cuối cùng của quá trình này là gửi sản phẩm đi phân tích. Tất nhiên, không phải bao giờ sản phẩm cũng đạt độ tinh khiết như mình mong muốn. Khoảng thời gian mấy tiếng đầu của thí nghiệm là khó khăn nhất. Vì lúc này em phải điều chỉnh sao cho độ pH ổn định như mong muốn. Nếu có sai sót thì phải làm lại từ đầu. Để có được thành công này chúng em đã được sự hỗ trợ rất nhiều từ phía thầy cô, đặc biệt là việc “tài trợ” hóa chất. Vì với mỗi lần làm thì nghiệm thất bại thì toàn bộ hóa chất đó phải bỏ đi”.

Được biết, công trình nghiên cứu này của Kim Liên đã được công bố trên tạp chí Khoa học và công nghệ (số 51-2013). Ngoài ra, đề tài này hiện nay đang được TS. Trần Ngọc Quyển (Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) cùng với một nhóm sinh viên khác tiếp tục nghiên cứu và phát triển. 

Đại học Lạc Hồng đoạt 4 giải “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” 

Ban tổ chức giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” năm 2014 đã quyết định trao 11 giải nhất, 32 giải nhì, 78 giải ba và 108 giải khuyến khích cho các nhóm sinh viên. Trong đó, trường ĐH Lạc Hồng có 02 giải Ba và 02 giải Khuyến khích. 
Ngoài ra, Trường đại học Lạc Hồng còn có 02 nhóm giảng viên đoạt giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” dành cho giảng viên trẻ là ThS. Lê Phương Long (giải Ba) và ThS. Phan Văn Hải (giải Khuyến khích).
Ngày 15/01 tới, Bộ GD-ĐT tổ chức lễ trao giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” dành cho sinh viên và giảng viên trẻ trong các cơ sở giáo dục đại học năm 2014 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội.

Diễm Nhi

Tài năng, khoa học, sáng tạo, Việt Nam


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        11,197,042       9/569